Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả



Lê Mộng Nguyên



Paris (France)




Sơ lược tiểu sử:

Lê Mộng Nguyên, nhạc sĩ, tân hội viên chánh thức của Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp, giáo sư kinh tế học và luật khoa đại học Paris, Pháp.

Lê Mộng Nguyên, sinh ngày 5 tháng 5, năm 1930, tại Phú Xuân (Huế), tỉnh Thừa Thiên (miền Trung Việt Nam), là con trai áp út của một gia đình nho giáo, điền chủ ở tỉnh Thừa Thiên. Bút hiệu Yên Hà. Hiện cư ngụ tại Pháp.

Tác phẩm:
Hơn 15 tác phẩm nghiên cứu bằng Pháp ngữ.

Nhạc:
Gồm những ca khúc tiêu biểu nổi tiếng:

• Trăng Mờ Bên Suối
•Vó Ngựa Giang Hồ
•Một Chiều Thương Nhớ
• Trọng Thuỷ Mỵ Châu
• Chiều Thu
• Mưa Huế
• Hoàng Hoa Thôn
• Nhớ Huế
• Về Chơi Thôn Vĩ
• Ly Hương
• Đôi Mắt Nhung
• Xuân Tha Hương
• Lá Thư Cho Mẹ
• Chiều Vàng Trên Chợ Đông Ba
• Mùa Lúa Mới
• Trường Ca Quân Tiến
• Mừng Khánh Đản

 




Đầu Xuân Mậu Tý 2008:


Ns Lê Mộng Nguyên
tưởng nhớ hai người nghệ sĩ
đã vĩnh viễn ra đi

Lê Mộng Bảo



mất ngày 08 Th.10-2007

Nghiêm Phú Phi



mất ngày 16 Th.01-2008





Có lẽ trước khi nói đến những nghệ sĩ vừa vĩnh viễn ra đi (và đã đi qua trong đời tôi) chúng ta nên tưởng nhớ Tết Mậu Thân 1968. Cách đây đúng 40 năm, CSVN mở cuộc tấn công toàn lãnh thổ miền Nam, và nhất là tại kinh thành Huế đẫm máu tang thương vì hồng quân bạo tàn không ngần ngại hành quyết và chôn sống một cách dã man tới 2 800 người dân Huế (là nơi tôi sinh quán) cùng chôn tập thể tại chùa Áo Vàng (đường Võ Tánh),sân trường Gia Hội, phường Phú Cát hoặc vùng Phú Vang, Phú Thứ, vân vân. Đó là không kể những nơi ngoài Huế cũng không kém phần súc vật như ở quận Hoài Nhơn có đến 200 người bị Việt Cộng tàn sát đồng một loạt, trong đám có trẻ em và niên lão… Phải chăng đó là « Bổn Phận Ký Ức » (Devoir de mémoire) mà chúng ta phải làm trong đầu Xuân Mậu Tý 2008 ?



Tháng giêng dương lịch năm nay thật nhiều tang tóc trong bầu trời văn nghệ hải ngoại : Trước Nghiêm Phú Phi, tài tử Lê Quỳnh nổi tiếng nhất của nền điện ảnh Việt Nam tạ thế ngày 05 th.01 tại Nam California, hưởng thọ 74 tuổi : Phim đầu tiên ông đóng vai chính là «Chúng Tôi Muốn Sống» do Bùi Diễn thực hiện, vang bóng một thời ; phim kế tiếp : «Hồi Chuông Thiên Mụ» (1957) bên cạnh Kiều Chinh và nhiều phim nữa như «Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ» (Đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Nhạc đệm Nghiêm Phú Phi: Lê Quỳnh đóng vai Ngọc Minh, Thẩm Thúy Hằng Lệ Hằng và Kiều Chinh Kiều Loan…) hoặc «Chờ Sáng» hay «11 g 30» vân vân. Sau Nghiêm Phú Phi đến lượt nhà thơ Vương Đức Lệ ra đi ngày 20 th.01-2008 tại Annandale - Virginia (Hoa Kỳ), hưởng thọ 71 tuổi.

Trong Phân Ưu mà NS Lê Dinh loan báo trên mạng lưới, tôi đọc : NS Nghiêm Phú Phi, Nguyên Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Saigon, Nguyên Trưởng ban Đại hòa tấu Hải Sơn, Đài Phát thanh Saigon, Đã qua đời ngày 16 th.01-2008 tại Fountain Valley - California, nhằm ngày 09 th.11 Âm Lịch năm Đinh Hợi, hưởng thọ 78 tuổi. Tôi bàng hoàng tưởng nhớ người bạn văn nghệ mà tôi được làm quen cách đây hơn nửa thế kỷ, trong lúc tôi vừa mới chân ướt chân ráo đến Paris - Kinh thành Ánh sáng. Hồi ấy, vào những năm 1951-1953, lúc nào rảnh việc, tôi và anh Lê Mộng Hoàng (nổi tiếng ca sĩ có giọng ténor thanh cao, tương tự L. Mariano hay Tino Rossi) qua Pháp học Luật và Điện ảnh, cùng Nghiêm Phú Phi chuyên môn Hòa âm ở Conservatoire de Paris, tuy mới 21 tuổi mà đã là một nhạc sĩ dương cầm xuất chúng. Chúng tôi thường gặp nhau để tập hát và cho thâu vào đĩa nhựa 78 vòng tại Studio của Pháp phải trả tiền, nhưng khi ra về ai cũng có một bản để giữ làm kỷ niệm. Tôi (giọng trầm) với anh Hoàng (giọng cao) hợp ca bài Vó Ngựa Giang Hồ được Hương Mộc Lan-Saigon xuất bản năm 1949, với hòa âm ngẫu nhiên của nhạc sĩ dương cầm Nghiêm Phú Phi ; anh Hoàng hát solo Trăng Mờ Bên Suối và Bài Thơ Huế rất hay và lẽ dĩ nhiên với đàn đệm tuyệt vời của Nghiêm Phú Phi. Tôi cũng thường ca một mình bài Hoàng Hoa Thôn và Lá Thư Cho Mẹ vì hai bài này đúng giọng trầm của tôi, hoặc trên sân khấu hoặc tại Studio thâu vào đĩa. Chúng tôi nhiều lúc áy náy vì không biết làm sao để trả tiền thù lao cho NPP, làm việc với lương tâm nhà nghề nhưng không bao giờ đòi hỏi gì cả… mặc dầu ngay dạo ấy còn trẻ mà đã phải lê chân đi theo chúng tôi, mệt nhọc vì bị mắc bệnh polio lúc còn nhỏ, nhưng bao giờ tánh tình cũng dịu dàng, dễ thương.

Vào khoảng năm 1956, NS Nghiêm Phú Phi trở về Saigon dạy nhạc và làm Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc từ năm 1970 trong lúc Lê Mộng Hoàng sau khi tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Điện Ảnh (IDHEC-Paris) về nước trở thành đạo diễn ở miền Nam tự do, làm phim đầu tiên «Bụi Đời» năm 1957 với nhạc của Lê Mộng Nguyên tiếp tục ở Pháp cho đến bây giờ. Bài nhạc chính làm đề tài phim Bụi Đời do Kim Tước ca với dàn nhạc Việt Phi dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Nguyễn Phụng, bài phụ Người Đã Trở Về của Lê Mộng Nguyên được Ban Hợp Ca THIÊN THANH (gồm có các cô Kim Tước, Ngọc Nga, Thu Hà, các ông Nguyễn Việt, Minh Trân) trình bày trong phim, cũng với Ban Nhạc Việt Phi. Trong những thực hiện sau của anh Lê Mộng Hoàng, Nghiêm Phú Phi có trách nhiệm đắc lực về phần âm nhạc, chẳng hạn «Từ Saigon đến Điện Biên Phủ» đã nói trên, và «Gánh Hàng Hoa» (1972) phóng tác theo tiểu thuyết của Khái Hưng và Nhất Linh, trong lúc phim «Nắng Chiều» của LMH đã đưa bài nhạc của Lê Trọng Nguyễn lên tột đỉnh.

Sau Tháng Tư đen 1975, gia đình Nghiêm Phú Phi bị kẹt cho đến năm 1985 mới được qua Mỹ định cư, tiếp tục phụng sự âm nhạc. Cách đây đã lâu, tôi nghe nói có Anh Ngọc và Nghiêm Phú Phi qua Paris trình diễn nhạc thính phòng và Trần Quang Hải đã giữ 2 chỗ cho tôi và phu nhân. Lúc đến Nhà hàng (một Tiệm Ăn VN nằm trước Hôpital Salpêtrière – Métro Saint Marcel, quận 13) thì người tổ chức cho biết đã hết vé, tôi thoáng thấy ca sĩ Anh Ngọc mà thôi, thành thử để lại số điện thoại nhờ cô chủ hàng nhắn với NPP liên lạc. Tối hôm ấy là lần cuối cùng tôi được nghe giọng nói của người bạn xưa, lúc nào cũng vồn vã, ân cần với bạn hữu, mặc dầu tôi không bao giờ gặp lại NS Nghiêm Phú Phi từ ngày anh rời đất Pháp để trở lại cố hương trong năm 1956.

Giữa tôi và Lê Mộng Bảo, một người bạn văn từ lúc thiếu thời, cuộc đời lại càng éo le hơn, vì tôi không bao giờ gặp lại anh trên đất Mỹ hay Pháp, hay Gia Nã Đại, từ ngày tôi bỏ nhà ra đi trong tháng 10 năm 1950, cho đến hôm tôi được nghe tin (qua mạng lưới) anh mất ngày 08 th.10-2007. Thành viên Ban Biên Tập nguyệt san Nghệ Thuật của NS Lê Dinh ở Montréal-Canada từ năm 1998, tên tôi được ghi tiếp theo tên Lê Mộng Bảo như hai anh em cùng một họ. Anh Lê Dinh thường nói với tôi: Lê Mộng Bảo hỏi thăm tin tức anh LMN cứ mỗi lần gặp anh hoặc liên lạc điện thoại, và một hôm anh Lê Dinh cho tôi biết là anh Bảo đau nặng. Ngọc Thủy kể lại trên NET khi nghe tin LMB mất chiều tối ngày thứ hai 08/10/2007, nàng «bật khóc bởi vừa nghe tin là đã thấy hiện ngay trong đầu cái hình dáng còm cõi của anh Lê Mộng Bảo nằm cong queo, trùm chăn ngủ vùi với hơi thở mệt nhọc trong cơn sốt ốm khi tôi đến thăm vào tối thứ tư tuần trước tại nhà của anh…». Người ta thường hỏi tôi: anh có họ hàng gì với LMB không? Tương tự: anh có phải là tác giả bài «Nắng Chiều» không? Tôi xin trả lời bằng hai cái KHÔNG! Tôi chỉ được hân hạnh là một người bạn của Lê Mộng Bảo từ thuở trẻ ở Huế và là một người yêu chuộng những bài ca lãng mạn của Cố NS Lê Trọng Nguyễn qua những kỷ niệm ưu ái mà chị Nguyễn Thị Nga đã làm sống lại cho đời và cho nhiều bạn văn nghệ trong những mùa thu 2005, 2006 và 2007 tại Paris.

Vào khoảng năm 48-49, hợp tác với nhóm Tam Điểu Văn Đoàn gồm Phạm Đăng Sum, Nguyễn Trung Hòa và Lê Khánh Căn, tôi thường đăng bài trên báo viết tay gọi là « Vui Sống » và mơ ước được xuất bản thực sự một tiểu thuyết. Được biết Nhà xuất bản Tinh Hoa ở số 55 đường Gia Long cạnh nhà tôi ở Huế, có in truyện cho tuổi trẻ trong loại Sách Hồng, tôi mạnh dạn, một hôm, đến thẳng xin gặp ông Giám đốc Tăng Duyệt, thì được anh Lê Mộng Bảo Quản lý nhà xuất bản, lớn hơn tôi 5 tuổi, tiếp đón nồng hậu. Tôi đưa cho anh xem bản thảo của một truyện cổ tích ngắn (tên là « Lá Thư Cứu Mệnh ») tôi tự viết bằng tay cho Sách Hồng, lúc đầu anh ngạc nhiên thấy tôi còn rất trẻ mà đã viết sách, nhưng biết tôi đã làm thơ và nhạc từ thuở nhỏ, và được Việt Nam Tân Báo đăng bài biên khảo về cụ « Phan Đình Phùng » dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim, năm 1945. Một tuần sau Lê Mộng Bảo cho biết là Nhà xuất bản Tinh Hoa nhận in và trả tiền nhuận bút ngay cho tác giả. Sau này Tinh Hoa Huế và Miền Nam do NS Lê Mộng Bảo điều hành có in nhiều lần nhạc của tôi : TMBS, Nhớ Huế, Bài Thơ Huế, vân vân, lúc nào cũng trả tiền nhuận bút hẳn hoi thẳng cho tôi ở Paris hoặc cho gia đình tôi ở Việt Nam. Thật đúng như Ngọc Thủy đã viết trên Trang Nhà Lê Dinh:

Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo thực sự là một người nhạc sĩ lớn vì công lao đóng góp cho nền âm nhạc Việt của ông rất hữu ích và phong phú. Không những bằng nhiều nhạc phẩm sáng tác qua nhiều thể loại, trải dài theo ghềnh thác thời gian qua nhiều thập niên với các tên Lê Mộng Bảo & Hoa Linh Bảo, cùng một số bài viết nghiên cứu nghệ thuật và soạn các bài tân cổ hòa theo vọng cổ, tạo thành bài tân cổ giao duyên tình tự…Rồi ông còn tham gia nhiều địa hạt như ký giả, thể thao, nhiếp ảnh, vân vân. Ngoài ra ông còn là người điều hành nhà sách và xuất bản Tinh Hoa Miền Nam (số 51 Trần Hưng Đạo, Saigon) , chuyên in ấn và phát hành băng, đĩa, nhạc Việt (sau bảy năm cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa ngoài Huế của ông Tăng Duyệt).

Trong đời tôi, chỉ được gặp Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo một lần mà thôi lúc trao bản nguyên cảo « Lá Thư Cứu Mệnh » được in tại nhà in Tân Hoa - Đường Trần Hưng Đạo - Huế, Kiểm duyệt số 398 ngày 20 tháng 9 năm 1949, thế sao mà buồn tiếc vô cùng khi được tin anh vĩnh viễn ra đi ngày mồng 8 tháng 10 năm 2007 vừa qua !





Paris, ngày 30 th.01 năm 2008



Mục lục | Liên Lạc



 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com